Có phải bạn đang cảm thấy khá “dội” khi nghe điều này không? Nhưng thật sự đó là điều Huyền nói với Mèo, Ca tối nay: “Mẹ không nói với các con là các con phải tiết kiệm!” . Nhưng đoạn sau mới là toàn bộ câu chuyện:
– Vì với những gì ba mẹ chăm chỉ làm việc thì điều kiện gia đình mình có thể để các con không phải lo nghĩ về điều đó!
– Nhưng các con cũng không được lãng phí. Khi các con lãng phí có nghĩa là các con đang không nghĩ đến việc ba mẹ đã phải làm việc như thế nào để có thể có được nó cho các con.
– Vì vậy, trước khi muốn mua gì hoặc làm gì các con hãy tự trả lời trước 3 câu hỏi này:
Mình có thật sự thích nó không?
Mình có thật sự cần nó không?
Mình đã có cái tương tự như vậy ở nhà chưa? / Mình có làm việc tương tự như vậy gần đây không?

Nếu sau khi trả lời 3 câu hỏi đó mà các con vẫn thấy điều mình muốn là hợp lý thì con hãy đề nghị mẹ cho mua hoặc cho làm việc đó.
VD: Chiều nay các con muốn được tô tượng ở khu trò chơi:
Mình có thật sự thích nó không? Mình rất thích
-> Mình có thật sự cần nó không? Không, nhà mình không có chỗ nào cần trang trí thêm. Mình đã có rất nhiều tượng tô những lần trước để khắp nơi trong nhà.
-> Mình có làm việc tương tự như vậy gần đây không? Mình vừa mới tô tuần trước.
Vậy các con thấy mình có nên nói mẹ cho tô tượng không? Dạ không!
—–
Huyền biết có rất nhiều gia đình dạy con về sự tiết kiệm, về sự khó khăn ngay cả khi mình khá giả. Vì nghĩ rằng điều đó sẽ giúp con khiêm nhường hơn, dễ thích nghi với hoàn cảnh hơn nếu sau này có chuyện gì xảy ra…Huyền hiểu và tôn trọng điều đó! Thực ra ngày còn bé Huyền cũng đã trải nghiệm điều đó từ ba mẹ Huyền. Và Huyền thấy những điều đó cũng đúng!
Nhưng đồng thời nó cũng sẽ vô tình làm mất đi một số điều cũng rất quan trọng.
Điều đầu tiên, đó là sự tự tin. Không phải ai cũng cần có tiền mới tự tin được. Nhưng bạn có thấy ngày còn đi học, mấy đứa bạn có tiền của mình thường rất tự tin không. Vậy tại sao con may mắn được sinh ra trong hoàn cảnh đầy đủ nhưng lại phải ép con sống như mình khó khăn?
Điều thứ 2, đó là hạn chế việc con dám trải nghiệm, bạn có bao giờ nghe câu “Cái khó bó cái khôn!” chưa. Điều Huyền muốn nói ở đây cũng tương tự vậy đấy ạ!
Điều thứ 3, khi con trẻ còn bé thơ, hãy để con nhìn cuộc đời bằng ánh mắt trong trẻo nếu bạn có thể (nếu chẳng may hoàn cảnh của gia đình có khó khăn thì đó không phải là điều bạn không muốn mà là không thể. Vậy thì không sao cả!), con còn cả một chặng đường dài phía trước, nhiều cơ hội để va chạm xã hội, để dần nhận ra thực tế của cuộc sống. Hãy để tất cả diễn ra như một dòng chảy của tự nhiên, đừng cố ép con làm gì chỉ vì ba mẹ lo lắng cho những điều trong tương lai còn chưa xảy ra. Một đứa trẻ có nội lực vững vàng sẽ thích nghi tốt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Để xây dựng một móng nhà vững chắc, người thợ xây cần chọn những ngày nắng ráo, đẹp trời để có điều kiện thuận lợi cho các vật liệu gắn kết bền vững chứ không phải chọn một ngày mưa gió bão bùng để chiếc móng làm quen với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trước.
—–
Việc Huyền hướng dẫn con trả lời 3 câu hỏi trước khi đề nghị với mẹ cũng là quan điểm của Huyền trong nuôi dạy con. Huyền muốn các con hãy chủ động trong mọi việc. Không phải khi con muốn mua gì, làm gì con cũng sẽ vô thức hỏi mẹ “có được không?” Rồi sau đó mẹ sẽ nghe câu trả lời “Được” hoặc “Không” từ mẹ mà phụng phịu khi không được theo ý mình, hoặc cũng không biết tại sao mình được đáp ứng hoặc sẽ nghĩ rằng chắc do mẹ vui, hay mẹ buồn hoặc mỗi lần như vậy đều cần đợi lời giải thích từ mẹ. Mà con sẽ tự mình trả lời được cho tình huống gặp phải trước, dù đôi khi sau đó vẫn cần đến sự can thiệp của mẹ.
Thực ra, không có quan điểm nào là đúng hay sai. Tất cả chỉ là phù hợp hay không phù hợp với hoàn cảnh, với sự trải nghiệm, với cách suy nghĩ của từng người, từng gia đình. Và những gì Huyền chia sẻ trên đây cũng chỉ là quan điểm cá nhân của Huyền. Với hoàn cảnh hiện tại, những trải nghiệm đã có, những kinh nghiệm đã tích luỹ được, những mong muốn về đứa trẻ của mình…Huyền chọn cách như vậy. Huyền tôn trọng và trân trọng những sự khác biệt của mỗi người!
Huyền Emily
0bình luận