Năm 1999, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã tuyên bố một Chính sách đề cập đến việc sử dụng phương tiện truyền thông ở trẻ em. Mục đích của tuyên bố đó là để giáo dục các bậc cha mẹ về những tác động của các phương tiện truyền thông đến trẻ em (cả về mặt số lượng lẫn nội dung). Trong đó, AAP khuyến nghị rằng “các bác sĩ nhi khoa nên kêu gọi các bậc cha mẹ tránh cho trẻ em dưới hai tuổi xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử di động”. AAP tin rằng có nhiều tác động tiêu cực tiềm ẩn của phương tiện truyền thông, thiết bị điện từ di động hơn là tác động tích cực đối với nhóm tuổi này.

Trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử, truyền hình như thế nào?

– Từ màn hình trong xe ô tô, ti vi đến các thiết bị điện tử di động (smart phone, ipad), trẻ em ngày nay được tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện điện tử so với bất kỳ thế hệ nào trước đây.

– Các video giáo dục, các chương trình truyền hình, website, video, app về giáo dục… hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu là trẻ từ 0 đến 2 tuổi (và cha mẹ của chúng) ngày càng nhiều

– Nhiều cha mẹ cho biết rằng họ coi truyền hình như một người gìn giữ hòa bình và là một hoạt động an toàn giành cho con cái khi họ đang chuẩn bị bữa tối, chuẩn bị đi làm hoặc đang làm việc nhà. Và những cha mẹ này sẽ cảm thấy yên tâm vì những chương trình con họ đang xem có mục đích giáo dục. Có những cha mẹ còn tin rằng những chương trình giáo dục trên truyền hình là “rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh” vì vậy họ cho con sử dụng các phương tiện truyền hình với thời gian cao gấp đôi.

– Nhiều gia đình mở ti vi hoặc các thiết bị điện tử ngay cả khi đang làm các hoạt động khác với trẻ.

– Có những trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử, truyền hình từ 4 giờ trở lên mỗi ngày, xem video dài 30 phút liên tục trong khi cha mẹ chỉ đang tắm hoặc chuẩn bị bữa tối.

– Trung bình, trẻ em dưới 2 tuổi xem các chương trình truyền hình từ 1 đến 2 giờ / ngày. 14% trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi xem các chương trình truyền hình từ 2 giờ trở lên / ngày.

– Một số trẻ em đang xem chương trình với cha mẹ hoặc anh chị em, và một số trẻ xem một mình.

Phương tiện truyền thông có thể thay sự truyền đạt của người lớn?

– Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số chương trình chất lượng cao có lợi ích giáo dục cho trẻ em trên 2 tuổi. Trẻ em xem các chương trình này đã cải thiện kỹ năng xã hội, kỹ năng ngôn ngữ và thậm chí cả khả năng sẵn sàng đi học.

– Để có lợi, trẻ em cần hiểu nội dung của các chương trình và chú ý đến nó. Trẻ em trên 2 tuổi và trẻ em dưới 2 tuổi có các mức độ phát triển nhận thức khác nhau và xử lý thông tin khác nhau.

– Trên thực tế, 2 nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc xem một chương trình như “Sesame Street” (chương trình giáo dục) có ảnh hưởng tiêu cực đến ngôn ngữ của trẻ nhỏ hơn.

– Trẻ em từ 12 đến 18 tháng tuổi học hỏi tốt hơn từ việc nói chuyện trực tiếp và sau đó cũng ghi nhớ thông tin tốt hơn so với việc xem một video. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em dưới 2 tuổi xem truyền hình không có sự cải thiện về khả năng ghi nhớ và nhận thức của chúng so với các bạn không xem truyền hình.

– Trẻ em từ 12 tháng tuổi trở xuống không theo dõi các ảnh chụp màn hình liên tiếp hoặc đoạn hội thoại của chương trình.

– Trẻ từ 1,5 đến 2,5 tuổi mới bắt đầu chú ý đến các chương trình truyền hình. Việc trẻ có thể học được gì từ những chương trình này hay không tuỳ thuộc vào từng trẻ, nội dung chương trình, thời lượng xem và liệu cha mẹ có xem cùng trẻ hay không.

Hậu quả của việc xem truyền hình, sử dụng thiết bị điện tử trong gia đình:

– 40% cha mẹ xem cùng con mọi lúc, còn lại đa số cha mẹ cũng cho rằng họ không cùng xem vì họ sẽ tranh thủ làm việc khác trong thời gian con xem truyền hình hoặc sử dụng thiết bị điện tử.

– Cha mẹ xem một chương trình truyền hình, sử dụng thiết bị điện từ khi ở cùng con sẽ làm giảm sự tương tác giữa cha mẹ và con cái, ngay cả khi có sự giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ khi xem chương trình vì bị âm thanh của các thiết bị, video gây xao nhãng. Sự tăng trưởng vốn từ vựng của trẻ sơ sinh liên quan trực tiếp đến lượng thời gian cha mẹ dành để nói chuyện với con. Sử dụng các thiết bị này nhiều trong gia đình có thể cản trở sự phát triển ngôn ngữ của trẻ đơn giản là vì cha mẹ có thể dành ít thời gian hơn để nói chuyện với trẻ. Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em chơi và tương tác ít hơn với người lớn khi bật tivi, có lẽ vì sự chú ý của người lớn tập trung vào chương trình truyền hình.

– Một nghiên cứu đã kiểm tra những đứa trẻ 12, 24 và 36 tháng tuổi cho thấy rằng truyền hình không chỉ làm giảm thời lượng chơi của trẻ mà còn làm giảm sự tập trung chú ý của trẻ trong khi chơi. Trẻ dừng lại để xem chương trình truyền hình, tạm dừng cuộc chơi đang diễn ra của họ và chuyển sang một hoạt động khác sau khi bị gián đoạn.

– Chế độ sử dụng các phương tiện truyền thông của cha mẹ ảnh hưởng đến thói quen sử dụng chúng của con cái họ.

– Trẻ em dưới 5 tuổi xem truyền hình dành ít thời gian hơn để chơi sáng tạo và ít thời gian tương tác với cha mẹ hoặc anh chị em hơn.

– Trẻ em sống trong các hộ gia đình sử dụng nhiều phương tiện truyền thông tiêu tốn khoảng 25% (cho trẻ 3 đến 4 tuổi) và 38% (đối với trẻ 5 đến 6 tuổi) thời gian đáng lẽ giành cho việc học hoặc đọc. Những trẻ này có khả năng biết đọc thấp hơn so với các bạn cùng lứa tuổi từ các hộ gia đình ít sử dụng phương tiện truyền thông.

– Thời gian chơi tự do bên ngoài là rất quan trọng để học các kỹ năng giải quyết vấn đề và bồi dưỡng tính sáng tạo.

– Sử dụng phương tiện truyền thông, thiết bị điện tử cũng gây ra những hậu quả về sức khoẻ như: béo phì, các vấn đề về giấc ngủ, các hành vi hung hăng và các vấn đề kém chú ý ở trẻ em mẫu giáo và tuổi đi học.

– Trẻ em dưới 3 tuổi, xem tivi có liên quan đến lịch trình ngủ không đều đặn. Thói quen ngủ kém có ảnh hưởng xấu đến tâm trạng, hành vi và học tập.

– Trẻ em dưới 2 tuổi xem nhiều ti vi hoặc video hơn bị chậm phát triển ngôn ngữ biểu đạt và trẻ em đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi xem ti vi nhiều mà chỉ xem một mình có nguy cơ chậm nói đáng kể.

Kiến nghị

– AAP khẳng định khuyến nghị không khuyến khích sử dụng phương tiện truyền thông cho trẻ em dưới 2 tuổi.

– Không khuyến khích việc người lớn xem tivi, sử dụng thiết bị trong khi có trẻ ở cùng.

– Nếu các bậc cha mẹ chọn cho trẻ sử dụng các phương tiện điện tử, thì nên có các chiến lược cụ thể để quản lý nó. Tốt nhất, cha mẹ nên xem lại nội dung con mình đang xem và xem chương trình đó cùng con.

– Không khuyến khích các bậc cha mẹ đặt tivi trong phòng ngủ của con mình.

– Thời gian chơi tự do bên ngoài có giá trị hơn đối với bộ não đang phát triển hơn bất kỳ việc tiếp xúc với phương tiện điện tử nào. Nếu cha mẹ không thể chủ động chơi với trẻ, trẻ nên có thời gian chơi một mình với người lớn bên cạnh. Ngay cả đối với trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi, chơi một mình cho phép trẻ suy nghĩ sáng tạo, giải quyết vấn đề và hoàn thành nhiệm vụ với sự tương tác tối thiểu của cha mẹ.

Nguồn: https://pediatrics.aappublications.org/content/128/5/1040

Dịch: Huyền Emily -Cô giáo Montessori hạnh phúc

Chia sẻ những suy nghĩ của bạn

Your email address will not be published. Required fields are marked

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}