Đã bao giờ bạn chứng kiến con bạn giậm chân bình bịch, ánh mắt long lên vì giận dữ, thậm chí là òa khóc, sau khi nhận ra mình là người thua cuộc sau mỗi lần chơi các trò chơi như cá ngựa, cờ vua, hay đơn giản là oẳn tù xì chưa?

Đã bao giờ bạn nghe thấy người lớn nói với đứa trẻ rằng: “Chơi thua thì con phải chấp nhận. Chứ có gì đâu mà phải khóc” hay “Con trai mà khóc gì. Đã chơi thì phải chấp nhận. Thua keo này bày keo khác. Thế mới là con trai chứ!” hay “Con thấy chưa. Bạn A cũng trong đội của con, thua cuộc nhưng bạn ấy có khóc đâu. Dũng cảm lên chứ!” chưa?

Có thể đó là cách chúng ta thường làm để “dạy dỗ” con cái của mình.

Nhưng cách làm đó có thực sự hiệu quả?

Liệu có cách nào tốt hơn không?

Đứa trẻ ấy, sau khi nghe xong chúng ta nói câu đó, có cảm thấy thuyết phục, hiểu được vấn đề, và học cách vượt qua cảm xúc thất vọng sau mỗi lần thua cuộc hay không?

Mình có thể khẳng định với các bạn, là KHÔNG.

Một trong những RÀO CẢN mà chúng ta – những người làm cha mẹ hay mắc phải nhất đó là RAO GIẢNG. Chúng ta thường nhanh chóng đánh giá, phán xét, và ngay lập tức đưa ra lời khuyên, bởi ta nghĩ mình là người có kinh nghiệm, từng trải và mình hiểu biết hơn con nên đương nhiên mình phải có TRÁCH NHIỆM đưa ra lời khuyên khi cần thiết.

CHA MẸ ĐỪNG QUÊN

Những rào cản trong giao tiếp khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mất sự kết nối và thiếu sự thấu hiểu.

Mỗi tình huống là một CƠ HỘI QUÝ BÁU, và cách chúng ta phản hồi với trẻ sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển cảm xúc xã hội – một yếu tố quyết định thành công của trẻ sau này.

————————-

VẬY CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON VƯỢT QUA CẢM GIÁC THUA CUỘC?

• Với trẻ lớn, bố mẹ có thể trò chuyện với trẻ về chủ đề THẮNG THUA trước khi trò chơi/cuộc thi diễn ra. Hãy nói với con rằng việc mình bị thua có thể sẽ khiến mình cảm thấy khó chịu và buồn, nhưng điều quan trọng nhất không phải là thắng hay thua, mà là tinh thần thể thao, là tinh thần đồng đội, là sự thực hành và rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

• Với trẻ nhỏ hơn (và cả trẻ lớn nữa) hãy LÀM MẪU. Khi bạn thắng, hãy nói “Cảm ơn con vì đã chơi với bố. Bố đã có khoảng thời gian rất vui vẻ, cùng con chơi trò chơi này”. Khi con chứng kiến bạn thua trong một trận đá bóng với đồng nghiệp hay một trận game chẳng hạn, hãy thành thật với cảm xúc của bạn “Ôi, đúng là thất vọng khi bị thua. Bố cũng muốn thắng trận này. Cảm giác thua cuộc đúng là không dễ chịu chút nào”. Trẻ sẽ quan sát và học cách bạn đối diện và vượt qua những cảm xúc khó chịu. Bởi mọi cảm xúc đều đáng được nâng niu và trân trọng.

Đằng sau những cơn khủng hoảng của trẻ là rất nhiều cảm xúc đan xen lẫn nhau: buồn, thất vọng, bối rối, xấu hổ,… Và chúng ta đều biết rằng trẻ nhỏ vẫn đang trong quá trình học để nhận diện cảm xúc và cần rất nhiều sự hỗ trợ đúng cách của người lớn để biết cách sử dụng ngôn ngữ để biểu lộ cảm xúc của mình khi cần thiết.

Vì vậy, việc chúng ta CẦN LÀM là:

1) Chấp nhận cảm xúc của con. Chú ý giữ khoảng cách an toàn cho con và cho người khác.

2) Phản hồi dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng rằng con có thể tự đương đầu và đủ khả năng giải quyết được vấn đề của mình.

3) Ghi nhận sự nỗ lực của con.

4) Khẳng định tình yêu vô điều kiện của bạn dành cho con.

P.S: Hãy đọc thật kỹ để hiểu thật rõ điều số 2, điều ba mẹ hay nhầm lẫn trong cách thực hiện nhất nhé Nếu có bất kì sự chưa hiểu rõ nào hãy comment bên dưới để Huyền giải thích rõ hơn, để chắc chắn là chúng ta đã hiểu đúng trước khi thực hiện nhé.

Huyền Emily

Chia sẻ những suy nghĩ của bạn

Your email address will not be published. Required fields are marked

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}