- "Sách vở vẫn là sách vở chị ạ, thực tế khi em áp dụng với con mình mà hiệu quả không được như ý"
- "Em đã tham gia các khóa học về cách đồng hành với con, xử lý các vấn đề của con nhưng sao về áp dụng thì kết quả không được như thầy cô nói..."
Hay những chia sẻ về chồng :
- "Chồng em không được rồi, em muốn thay đổi mà không được”
- “ Em đối xử với con thế này, chồng em xử sự theo cách khác, em không can thiệp được.”
Vậy nguyên nhân là do đâu: do tác giả, do thầy cô, do chồng hay do điều gì?
Theo Huyền, chính là vì kỹ thuật thì các bạn có thừa nhưng SỨC KHOẺ TINH THẦN lại sa sút nghiêm trọng. Khi người mẹ không có sức khỏe tinh thần tốt, không giữ cho mình được sự cân bằng cả thân, tâm, trí thì mọi sự xử lý rất dễ bị đi chệch hướng. Chúng ta có thể làm đúng các bước như đã học được, chúng ta có thể nói đúng những câu nói chỉ được dạy, nhưng thái độ của chúng ta thì thế nào?
Người mẹ nói: "Mẹ cảm thấy rất hạnh phúc khi được nắm tay con cùng đi !" nhưng nét mặt lại đăm chiêu, miệng cười nhưng đôi chân mày khẽ chau lại vì đang lo lắng deadline chưa hoàn thành ở công ty. Đứa trẻ sẽ cảm nhận được hết, liệu chúng còn thực sự thấy hạnh phúc và được yêu thương hay không?
Khi sức khỏe tinh thần bị suy giảm thì cũng là lúc người phụ nữ sống trong những bộn bề suy nghĩ, lo toan, áp lực, lâu dần hình thành xu hướng thiếu kiên nhẫn, muốn thấy được kết quả một cách nhanh chóng, không còn nữa đủ sự minh triết để quan sát, lắng nghe và thấu hiểu những người xung quanh.
Cuối cùng những điều mà chúng ta thể hiện ra bên ngoài chỉ còn lại sự can thiệp, áp đặt và muốn người khác làm theo ý mình, một cách vô thức mà chúng ta không biết rằng mình đang tước đi sự TỰ DO Ý CHÍ của người khác, cho dù người đó có là con, là chồng đi chăng nữa. Thứ mà có thể chúng ta phải vô cùng tôn trọng, như cái cách mà chúng ta muốn người khác làm nó với mình.
Chúng ta, ai cũng đã ít nhiều trải qua những thành công, thất bại, những khó khăn thử thách để trưởng thành, để tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá. Việc chúng ta chia sẻ, truyền thụ cho nhau những kinh nghiệm, bài học đó với mong muốn giúp đỡ những người khác là vô cùng tốt đẹp. Tuy nhiên có những kinh nghiệm bạn trải qua rồi, nó đúng với bạn nhưng chưa chắc đúng với người khác, nói ra người ta cũng không hiểu. Nếu như vậy thì nói một lần, rồi thôi! Nhưng chúng ta cứ cố chấp phải can thiệp bằng được vào quá trình phát triển của ai đó vì “lo cho tương lai của họ”. Để đến cuối cùng người không lo được lại là chính mình...
Có bao nhiêu lần bạn giới thiệu ai đó để rồi họ quay lại làm y chang như lúc trước khi bạn giới thiệu? Có bao nhiêu lần bạn cãi nhau với chồng về chuyện dạy con để rồi kết quả chẳng có gì thay đổi chỉ có trẻ con là thấy bố mẹ chúng nó cãi nhau. Khi một người lựa chọn hành động xử lý thế nào, hãy tôn trọng, dù bạn có là mẹ, là vợ, là con cái hay là bất cứ ai. Hãy nói ra hết tiếng lòng của mình nếu thấy cần và mong muốn giúp đỡ người kia, chỉ vậy thôi và không mong cầu thêm gì cả. Việc của bạn là tập trung vào hành trình của mình, nhân quả của mình, nếu những người khác cũng thấy được sự thay đổi tích cực của bạn, họ sẽ tìm đến nương nhờ và lắng nghe những điều bạn thành thực đã khuyến khích.
Là mẹ, hãy có một sức khỏe tinh thần đủ tốt để yêu thương chính mình, làm điểm tựa cho gia đình và những đứa con thân yêu của bạn nhé!
0bình luận